
Theo kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, khi đức Phật ra đời có bốn vị Thiên vương dùng vải quý cõi trời nâng đở. Thích Đề Hoàn Nhơn mang lọng báu cùng Đại Phạm Thiên đứng hầu hai bên. Lúc đó có hai vị Long vương là Nan-đà và Ưu-ba-nan-đà từ trên hư không phun hai dòng nước ấm và mát để tắm thân Thái tử. Kinh Vị Tằng Hữu cũng mô tả tương tự như vậy: “Khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, từ trên hư không nước mưa rưới xuống, một ấm, một lạnh, để tắm thân thể của Thế Tôn.” Có lẽ chính sự cung kính của chư thiên và loài người đối với sự kiện đản sanh của Thái tử được mô tả trong các bản kinh này đã tạo nguồn cảm hứng để về sau trong mỗi mùa Phật đản, người con Phật thường thiết trí tôn tượng đản sanh trong bồn hay thau sạch, quý, đặt trong điện thờ Phật hay một nơi nào đó trang nghiêm, dùng nước sạch có ướp các loài hoa thơm để làm lễ tắm Phật nhằm tưởng nhớ đến ân đức của đức Từ Phụ và bày tỏ niềm tôn kính sâu xa đối với Ngài.
Bạn đang xem: Ý Nghĩa Lễ Tắm Phật Trong Đại Lễ Phật Đản, Ý Nghĩa Lễ Tắm Phật
Nghi lễ tắm Phật đã có từ xa xưa, và diễn ra hầu hết ở các nước truyền thống Phật giáo. Tại Ấn Độ, các tự viện thường hay để tượng một vị Phật sơ sinh, mỗi ngày tín đồ có thể tới viếng chùa và lấy nước rưới lên mình Phật như là một hành động tẩy trừ sự ô nhiễm nơi thân Phật, cũng như thân mình. Về sau không rõ đích xác nguyên do gì truyền thống này lần lần cải biến. Ở Trung Hoa, vào đời Đường, đời Tống, tắm Phật là một pháp hội rất long trọng, mỗi năm được tổ chức một lần vào ngày Phật đản sinh. Nhất là ở Nhật Bản, vào khoảng năm 840, niên hiệu Thừa Hòa thứ bảy trở về sau, mỗi năm nhằm vào ngày tám tháng tư, lễ tắm Phật được cử hành vô cùng trang nghiêm trong hoàng cung. Vì vậy, ở Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam, lễ Phật đản là một ngày vô cùng quan trọng được gọi là Phật Sinh Hội, Dục Phật Hội, Quán Phật Hội… đều là chỉ vào nghi thức tắm Phật cử hành trong ngày ấy.

Đức Phật ra đời là một sự kiện lịch sử trọng đại của nhân loại. Kinh Pháp Hoa nói rằng ‘Vì một đại sự nhân duyên đức Phật ra đời’, ‘Ngài ra đời là vì hạnh phúc an lạc cho số đông, vì hạnh phúc an lạc cho chư thiên và loài người’, hay ‘khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật chi tri kiến’. Từ sự kiện nhân duyên hy hữu và quan trọng này, mỗi năm đến ngày đản sanh của Ngài, người con Phật long trọng tổ chức lễ khánh đản trong đó nghi lễ tắm Phật là một nghi lễ không thể thiếu trong chuỗi lễ hội này.
Việc tắm Phật là một cơ hội để người con Phật thực tập nếp sống chánh niệm, trau dồi lòng khiêm cung, hướng tâm nhiệt thành đến đức Phật, hay nói cách khác, hướng đến sự viên mãn của đức hạnh và trí tuệ. Nước là biểu tượng của sự tẩy rửa. Tẩy rửa từ dơ biến thành sạch, từ cấu uế trở thành trong sáng, thanh khiết. Do đó nghi lễ tắm Phật vừa biểu hiện sự tôn kính, cúng dường vừa biểu hiện sự thanh lọc những cấu uế, phiền não của tâm. Thành ra, những dụng công trên của mỗi người tham dự lễ sẽ là những yếu tố tối quan trọng để chúng ta tự chuyển, điều phục và thăng hoa tâm thức của chính mình.
Người con Phật thực hiện lễ tắm Phật đúng ý nghĩa phải hội đủ ba yếu tố đó là niềm tin, lòng thành kính và tâm bình đẳng. Với người Phật tử, sự tôn kính, lòng nhiệt thành đối với đức Phật trên nền tảng của chánh kiến mới thực sự mang lại cho chúng ta một niềm tin trong sáng và sự an lạc đích thực, lâu dài. Chánh kiến là cái nhìn đúng dẫn đến hành động việc làm đúng. Mỗi khi dâng một nén hương, một đóa hoa, một phẩm vật lên đức Điều Ngự Thế Tôn, hay khi rưới những dòng nước tinh khiết lên tôn tượng của Ngài, đó chính là nhân duyên thù thắng để mỗi người quay về với chính mình, hầu tự sách tấn, tự trang nghiêm cho bản thân bằng hương đức hạnh, bằng hoa trí tuệ, và bằng nước nhẫn nhục, từ ái, để hướng đến một nếp sống hướng thượng, tỉnh giác. Phải chăng chính những lúc đó, mỗi người đang tự tắm Phật trong từng sát-na của đời mình?
“Con nay tắm gội Đức Như Lai
Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ
Ngũ trược chúng sanh linh ly cấu
Xem thêm: nhỏ từ từ cho đến dư dung dịch naoh vào dung dịch alcl3
Đồng chứng Như Lai tịnh pháp thân”.

Để tắm Phật, chúng ta mượn nước trong sạch, nhưng muốn linh nghiệm phải kết hợp được lòng thành, niềm tin bất hoại và từ tánh thiên chơn của chúng ta. Nếu không có lòng thành, không có niềm tin, không phát xuất từ tánh thiên chơn, thì nghi lễ này không hiệu nghiệm. Công đức thủy này do chúng ta tu hành đúng chánh pháp mà có. Vì thế, phải mượn nước sạch cộng với tâm trong sạch và công đức của chúng ta. Kết hợp ba yếu tố này lại mới thành pháp. Chính vì lý do không đơn giản ấy, nên hình thức tắm Phật tuy giống nhau, nhưng có nơi đạt được sự linh nghiệm, có nơi không. Thực tế chúng ta tham dự lễ tắm Phật, có cảm nhận rằng người chủ lễ trang nghiêm được tâm thanh tịnh, trong sáng, đức hạnh vẹn toàn, nên đã biến nước mưa thành nước Bát công đức. Nước công đức này có công năng xoa dịu những nỗi khổ, niềm đau và làm cho tâm hồn trở nên thanh khiêt, nhẹ nhàng.
“Ngũ trược chúng sanh đều rửa sạch.
Không còn sanh tử ở trần ai”.
Khi múc gáo nước đầu tiên, tắm bên vai phải của tôn tượng chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc phải, vừa ý, gọi là thuận cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên. Khi múc gáo nước thứ hai, tắm bên vai trái của tôn tượng, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc trái ý, gọi là nghịch cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên. Đây chính là ý nghĩa sâu xa của nghi lễ tắm Phật và việc tu tập theo đạo Phật vậy.
Xem thêm: so sánh đặc điểm cấu tạo của rêu với tảo
Ngoài ý nghĩa về sự tẩy trừ cấu uế thân tâm, và lòng thành kính cúng dường chư Phật, Kinh Công đức tắm Phật ghi rằng: “Nếu đối với các bậc giác ngộ mà dùng tâm thanh tịnh để cúng dường hương, hoa… hoặc đối trước tôn tượng các Ngài mà trang hoàng, nghiêm sức, dùng hương quý, nước thơm theo nghi thức mà tắm tôn tượng, đánh trống thỉnh chuông, xưng tán công đức của Như Lai, lại phát nguyện thù thắng, hồi hướng chứng đắc trí tuệ vô thượng, thì hành giả sẽ được vô lượng vô biên công đức và tương tục mãi cho đến khi chứng quả Bồ-đề.” Đức Phật còn dạy rằng, “nhờ việc tắm tượng như thế, chúng sanh trong hiện đời được nhiều phước báu thù thắng, sở nguyện thành tựu, hiện đời thọ hưởng giàu sang, an vui, không bệnh, và sống lâu. Mọi điều cầu mong không gì là chẳng toại. Còn bạn bè thân quyến thì thảy đều an ổn. Tám nạn tiêu trừ, ra khỏi bể khổ vĩnh viễn, không thọ thân nữ, và sớm thành chánh giác.”
Như vậy lễ tắm Phật mang một ý nghĩa nhân văn vô cùng cao đẹp. Nơi đó vừa biểu hiện lòng thành kính của người con Phật dâng lên cúng dường nhân ngày Khánh đản của Ngài, vừa là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại chính mình trong ý nghĩa ‘phản quang tự kỷ’, để tẩy trừ những hạt giống xấu, hư và để trưởng dưỡng những hạt giống thiện lành, khai mở chân tâm, nuôi lớn mầm giác, làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn, mang lại niềm hạnh phúc, an lạc cho nhân loại trên thế gian này.
Tham khảo:
Kinh Pháp Hoa, bản dịch của HT. Thích Trí Quang, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 1998.Đại Việt sử ký toàn thư, Hà Nội: Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, (bản điện tử: Viện Việt Học, Westminster, 2001), tr. 109. Đại Việt sử lược, TP.HCM: NXBTPHCM, (bản điện tử: Viện Việt Học, Westminster, 2001), tr. 53.Kinh Công Đức Tắm Phật, Hán dịch: Sa-môn Thích Nghĩa Tịnh đời Đường, Việt dịch: Tại gia Bồ-Tát giới Ưu-bà-tắc Nguyên Thuận. (Giác ngộ online).
Bình luận